Đó là khẳng định của của ông Nguyễn Lộc An- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường
trong nước Bộ Công Thương- khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
CôngThương - Ông Nguyễn Lộc An cho biết, sau khi nhận được thông tin cho
rằng một số cửa hàng xăng dầu, trong đó có cửa hàng của Petrolimex bán
cầm chừng hoặc ngừng bán dầu diezen, Vụ Thị trường trong nước Bộ Công
Thương đã trực tiếp xác minh, đồng thời đề nghị Cục Quản lý thị trường
chỉ đạo các chi cục QLTT địa phương rà soát, kiểm tra lại thông tin
trên.
Qua khảo sát đến ngày 30/12 cho thấy, không có một cửa hàng xăng dầu nào đóng cửa hoặc ngừng bán dầu diezen. Đặc biệt, các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex vẫn bán bình thường. Vì thế, ông An khẳng định, thông tin về một số cây xăng, trong đó có cửa hàng của Petrolimex dừng bán dầu là không chính xác.
Theo Bộ Công Thương hiện nay nguồn xăng dầu không thiếu. Các DN đầu mối đã nhập đủ, thậm chí còn vượt hạn mức xăng dầu được giao, đảm bảo dự trữ đủ hàng theo đúng quy định. Cụ thể, Petrolimex đã nhập vượt 30% hạn mức quy định. Tuy nhiên, vừa qua xảy ra tình trạng khan hiếm dầu diezen cục bộ tại một số địa phương do nhu cầu tại một số địa phương tăng đột biến. Như mọi năm, Petrolimex cung ứng cho Điện Biên khoảng 2.500 m3 diezen/tháng. Nhưng năm nay, riêng quý 4/2010 Petrolimex đã bán cho Điện Biên khoảng 9.500 m3 (nhu cầu trung bình tăng lên 3.170m3/tháng), tăng 75% so với lượng bán ra trong quý 3/2010. Hay nhiều khách hàng lớn, trước đây lấy xăng dầu từ các các đầu mối khác, nhưng vừa qua do một số DN đầu mối khó khăn ngoại tệ và kinh doanh xăng dầu bị lỗ nên nhập hàng không đúng tiến độ, nên đã dồn về mua xăng dầu tại các đơn vị của Petrolimex gây áp lực lên nguồn cung của Petrolimex.
Ông Vương Thái Dũng- Phó tổng giám đốc Petrolimex- cho biết: Bình thường Petrolimex chỉ chiếm 40- 50 thị phần bán lẻ xăng dầu, nhưng hiện nay tăng tới 70- 80%. Mặc dù không thiếu nguồn hàng nhưng Petrolimex vẫn gặp khó khăn trong việc cân đối phương tiện vận tải, nhất là tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh xe tải chỉ được ra vào ban đêm, không thể tăng chuyến. Điều đó gây áp lực rất lớn cho hệ thống cửa hàng của Petrolimex.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhiều lần họp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị phải ưu tiên nguồn ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cam kết ưu tiên ngoại tệ bán cho DN đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng tiến độ; trong vòng 1 tháng, Bộ Tài chính đã 2 lần giảm thuế nhập khẩu. Trong lúc nguồn xăng dầu sản xuất từ Dung Quất khá ổn định nên Bộ Công Thương cho rằng, thời gian tới, nguồn cung xăng dầu sẽ khá dồi dào.
Bộ Công Thương cũng đưa ra cảnh báo đối với người tiêu dùng, từ nay đến hết Tết Tân Mão, giá điện, giá than, giá xăng dầu sẽ không tăng thay đổi, vì thế người dân không nên hoang mang trước những tin đồn thất thiệt như xăng dầu tăng giá hay hết hàng. Vì thời điểm này nhiều DN đầu mối đang thực hiện nhập hàng về.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn cả nước tăng cường kiểm soát thị trường xăng dầu để chống đầu cơ găm hàng. Nếu phát hiện cửa hàng nào bán cầm chừng, có dấu hiệu đầu cơ sẽ lập tức xử lý thu hồi giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với cây xăng ngay tại địa chỉ đó, dù chủ khác đứng tên cũng không được phép kinh doanh nữa.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo cho các DN đầu mối đảm bảo nguồn xăng dầu trong dịp Tết Tân Mão và đề nghị các địa phương phải cung cấp số liệu nhu cầu năm 2011 để có cơ sở chính xác cho Bộ Công Thương và các đầu mối không bị động về nguồn hàng.
Tuy nhiên, ông An cũng thừa nhận, vừa qua mặc dù Bộ Tài chính đã 2 lần giảm thuế nhưng DN vẫn còn rất khó khăn, nhất là dự đoán sang năm mới giá xăng dầu thế giới vẫn có xu hướng tăng, thậm chí có thể tăng lên mức 100 USD/thùng.
Tại cuộc họp cuối năm của Bộ Công Thương trong ngày hôm qua (30/12), ông Nguyễn Quang Kiên- Phó tổng giám đốc Petrolimex- đề nghị: Ngân hàng Nhà nước đảm bảo ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu, đồng thời Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất thuế nhập khẩu xuống 0% để giảm bớt lỗ cho DN, đảm bảo ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán và quý I/2011.
Ông Kiên cho biết, mặc dù Ngân hàng Nhà nước thông báo không thiếu ngoại tệ nhưng thực tế DN không thể mua đủ ngoại tệ. Để nhập hàng, DN phải vay từ các ngân hàng thương mại, phải chịu lãi vay và nếu có chênh lệch tỷ giá thì rủi ro lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Hơn nữa, việc tiếp cận vốn vay đến nay cũng rất khó khăn.
Về quỹ bình ổn giá, ông Kiên đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có hướng dẫn sử dụng quỹ rõ ràng. “Bộ Tài chính yêu cầu chúng tôi trích nộp vào quỹ bình ổn giá hàng nghìn tỷ đồng, nhưng nếu bán lỗ mà vẫn bị nộp quỹ thì thật vô lý. Trong lúc DN bị lỗ kinh doanh và khó tiếp cận vốn vay mà vẫn phải trích nộp quỹ bình ổn thì DN không biết trông chờ vào đâu. DN đang thực sự rất khó khăn!”.
Nguồn: Báo Công Thương